Bài viết dự thi về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh

Thứ ba - 06/09/2011 21:30
Bài viết dự thi về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Hình ảnh của Bác luôn ở trong tôi. Năm nay tôi đã 60 tuổi rồi mà vẫn nhớ mãi một kỷ niệm đáng tự hào, lúc tôi vừa tròn 20 tuổi.
Học xong cấp III, tôi được tham gia dân quân trực chiến 12 ly 7 và phụ trách hệ thống loa truyền thanh từ huyện về xã. Công việc thật vất vả và đầy hiểm nguy dưới làn bom, pháo của địch. Lúc đó vào những năm 1967 - 1968 chiến tranh ác liệt, đế quốc Mỹ tập trung bắn phá miền Bắc với dã tâm “Biến miền Bắc thành thời kỳ đồ đá”. Vĩnh Linh là nơi tuyến đầu mà được “Lũ giặc trời” quan tâm đặc biệt, nào là máy bay bổ nhào, bom tọa độ, pháo từ bờ Nam bắn ra, từ hạm đội 7 bắn vào, B 52 cày xới dọc ngang …. Chúng biến Vĩnh Linh thành vành đai trắng. Nhưng chúng tôi khắc sâu lời dạy của Bác “Không có gì quí hơn độc lập tự do”. Người già, trẻ em đi sơ tán ra các tỉnh ở miền Bắc. Còn người khỏe (Từ 20 - 45 tuổi) thì ở lại bám đất, bám làng.

Chúng tôi đào giao thông hào từ đồng ruộng, trận địa đến hầm lán, hầm chữ A rồi xuống địa đạo. Có giặc là đánh, giặc đi là sản xuất, ngày trực chiến bờ Bắc, đêm cáng thương tải đạn ở bờ Nam. Cứ như thế chúng tôi vẫn sống và chiến đấu oanh liệt tưởng như là huyền thoại.

Thế rồi vào đêm giao thừa tết Mậu Thân 1968, mọi người chuẩn bị đón giao thừa dưới lòng đất mà chủ yếu là đón chờ giây phút thiêng liêng, đó là lời chúc Tết của Bác. Chúng tôi lúc đó cứ nghĩ rằng: Bác Hồ là nhà tiên tri “Bác bảo đi là đi, Bác bảo thắng là thắng”. Công việc của tôi đã chuẩn bị xong cả ngày hôm đó, đường dây được kiểm tra kỹ lưỡng, hệ thống loa kim được mắc đến từng hầm lán, địa đạo, đặc biệt chúng tôi còn đặt thêm một chiếc loa 180 oát ngay giữa trung tâm của Xã (xã Vĩnh Hòa, khu vực Vĩnh Linh thời đó). Đúng 23 giờ 30 phút, chỉ còn 30 phút nữa là đến thời khắc giao thừa, bỗng một loạt bom tọa độ rơi trúng đường dây truyền thanh của tôi, cách xã 05 km. Tôi vội nhảy ra khỏi hầm lán, cầm theo chiếc kềm cắt điện chạy như bay về phía bom nổ. Trời tối như mực, không đèn không đuốc, dây bị đứt vung vãi khắp hố bom. Biết làm sao đây? Thời gian thì càng gần đến giao thừa! Hình ảnh, giọng nói của Bác như hiện về trước sự mong đợi của mọi người…tôi liền táo bạo nghĩ ra cách: dùng tay cầm vào từng sợi dây một, nếu sợi nào có điện là biết ngay, thế là đường dây được nối. Khi nối xong hai sợi dây, tiếng cô phát thanh viên được vang lên từ chiếc loa 180 oát thật là trong trẻo và nghiêm trang “Xin mời đồng bào, đồng chí đón nghe lời chúc tết của Bác”. Tôi thật sung sướng và tự hào biết bao khi nghe thơ chúc tết của Bác:

“ Năm qua thắng lợi vẻ  vang

Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to

Vì độc lập, vì tự do

Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào

Tiến lên ! chiến sĩ, đồng bào

Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.

Đó là một kỷ niệm đã theo tôi trong suốt 40 năm qua mà không lúc nào quên.

Sau đó tôi được ra Bắc để học tập, lao động và chiến đấu trên mặt trận giao thông vận tải (tuyến đường sắt Thanh Hóa - Vinh). Kết thúc chiến tranh tôi được Nhà nước tặng thưởng huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Trung ương Đoàn thanh niên lao động Hồ Chí Minh tặng bằng ghi công trên mặt trận giao thông vận tải.

Đến năm 1982, tôi cùng gia đình vào lập nghiệp tại xã Bình Lộc, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Được bà con tín nhiệm bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) xã từ năm 1984, tính đến nay đã qua 5 nhiệm kỳ luôn được bà con tín nhiệm với các chức danh như: Trưởng ấp, Trưởng ban tài chính xã, Trợ lý thanh tra, Phó Chủ tịch HĐND, Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trật Tổ Quốc xã.

Với trách nhiệm của một đảng viên tôi luôn học và làm theo tấm gương suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân của Bác. Bất cứ công việc gì được tổ chức phân công, nhân dân tín nhiệm tôi đều hoàn thành xuất sắc. Qua rèn luyện phấn đấu trong thời kỳ đổi mới tôi được Tỉnh tặng 08 bằng khen, Trung ương Hội nông dân Việt Nam tặng kỷ niệm chương, UBND Thị xã Long Khánh tặng giấy chứng nhận chiến sĩ thi đua và nhiều giấy khen khác.

Nay dù tuổi cao sức yếu, nhưng tôi luôn xác định cho mình cần phải ra sức học tập rèn luyện theo gương của Bác. Được Đảng ủy tin tưởng giao nhiệm vụ làm phó Ban tuyên giáo Đảng ủy, ngoài công việc chính tôi còn tích cực làm cộng tác viên cho báo, đài luôn được bạn đọc quan tâm. Đó cũng là niềm vui của tuổi già vì trong tôi luôn có hình ảnh của Bác./.

Bình Lộc, ngày 19 tháng 05 năm 2008

Lê Minh Trực

Hội viên Hội CCB xã Bình Lộc

Thị xã Long Khánh, Đồng Nai

 

Gia đình tôi học tấm gương Bác Hồ

Không ai khác, ba mẹ tôi cũng là một trong số những người dân đã làm theo lời Bác dạy.

Ba mẹ tôi được sinh ra từ một vùng đất Quảng Trị. Ba tôi xuất thân từ một gia đình bần nông, nghèo khó. Ba tôi kể rằng: "Ngày xưa ba đi học không được đầy đủ như bây giờ, ngoài thời gian đến lớp là phải đi chăn trâu, nhặt phân để phụ giúp gia đình. Chuyện vừa chăn trâu vừa học bài cũng là điều bình thường". Bên cạnh đó, những lá chuối được thay cho tập vở mỗi lúc ba học bài. Tuy vất vả nhưng ba tôi học rất giỏi. Ba tôi luôn tiếc nuối việc học hành dở dang vì hoàn cảnh gia đình của mình nên luôn mong muốn là sẽ cho con cái được học hành tử tế. Mẹ tôi lại càng thua thiệt so với ba. Mẹ tôi sinh ra trong một gia đình đông anh em, ông ngoại lại mất sớm, nên mẹ tôi chưa một lần ngồi trong ngôi trường hay lớp học nào cả. Vào năm 11 tuổi, mẹ tôi phải đi giúp việc cho một gia đình, rất may mắn đó là một gia đình trí thức, con cái được học hành đỗ đạt. Sống trong môi trường giáo dục tốt, mẹ tôi cũng có ước nguyện là sẽ cho con cái mình học hành như nhà ông bà chủ. Thế là cả ba mẹ tôi cùng có một ý tưởng là phải biết hy sinh để nuôi dạy con cái tốt, cho con cái ăn học đến nơi đến chốn.

Vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ba mẹ tôi cùng các con vào ấp Bàu Cối, xã Bảo Quang (thuộc TX. Long Khánh bây giờ) để lập nghiệp. Ba mẹ tôi xoay vần đủ thứ: khai hoang, đốn củi để kiếm tiền mua gạo hàng ngày. Ba mẹ luôn là tấm gương để chúng tôi noi theo. Chính ý chí của ba mẹ tôi đã rèn luyện cho chúng tôi luôn phấn đấu trong học tập để thoát khỏi sự nghèo đói. Tuy nhà nghèo, vất vả nhưng ba mẹ tôi chưa bao giờ  có ý định là bắt các con phải nghỉ học. Không quản nhọc nhằn, khó khăn, ba tôi làm thuê, làm mướn..., còn mẹ thì ngày ngày ra chợ bán những bó rau lang, những thúng dưa môn... để nuôi anh em tôi ăn học. Mẹ tôi là một người biết cần kiệm chắt chiu từ cái ăn, cái mặc, các khoản chi tiêu khác. Tính tiết kiệm không chỉ có ở ba mẹ tôi mà nó được rèn luyện cho cả gia đình: mọi người trong gia đình ai cũng phải biết tiết kiệm. Bên cạnh sự chịu thương, chịu khó của mẹ thì ba tôi là một người ngay thẳng, rất nghiêm khắc trong việc giáo dục con cái. Ba tôi biết hy sinh cho mọi người trong gia đình, việc gì ba tôi cũng làm gương cho các con. Việc bỏ hút thuốc lào là một việc làm rất khó nhưng ba tôi cũng tuyên bố với gia đình là: "Ba bỏ hút thuốc là  để mong các con trai sau này không ai được hút thuốc, vì hút thuốc không có lợi cho sức khỏe  lại lãng phí tiền bạc". Để thay vào sở thích hút thuốc, uống rượu, ba tôi tham gia vào đội văn nghệ của Hội Người cao tuổi.

Sự nhọc nhằn, vất vả thì ba mẹ tôi được đổi lại là những lời khen ngợi của bà con, thầy cô về những đứa con của mình. Các anh em tôi học rất giỏi, cứ cuối năm học là đứa nào cũng được lãnh thưởng. Những  cuốn tập, cặp sách đó được để dành cho năm học sau. Để giúp ba mẹ, cứ vào dịp hè đến là các anh chị tôi lại vào nông trường Thọ Vực làm cỏ mía để lấy tiền sửa xe đạp và mua thêm tập vở. Lúc nhỏ anh em tôi chưa bao giờ được học cuốn sách mới, cứ sách đứa lớn học xong thì để dành cho các em nhỏ, mà những cuốn sách đó cũng được ba tôi xin từ bà con làng xóm. Cũng như việc mua sắm áo quần mới lại càng không, đứa con nào không có áo quần mặc là ba tôi lại ra chợ mua về những bộ quần áo cũ. Tôi nhớ mãi lúc đó anh hai tôi đã bước vào thời THPT rồi nên phải mặc áo đồng phục, ba tôi  mua về một chiếc áo trắng của của nữ để mẹ tôi mở hai chiếc ben áo để cho anh tôi mặc. Thế mà anh tôi cũng không ngại ngùng gì khi mặc chiếc áo đó. Ba tôi nghĩ, nhà mình nghèo cái ăn lo chưa nổi lấy đâu nghĩ đến cái mặc, chúng tôi chưa bao giờ nhìn thấy ba mẹ mình may chiếc quần áo mới để mặc. Bao nhiêu tiền bạc để dành lo cho việc học của các  con. Cứ sau mỗi  năm nhìn lại là ba mẹ tôi thu hoạch được một lớp học của mỗi đứa con.

Suốt gần ba chục năm qua, đổ biết bao mồ hôi và nước mắt, xoay trở đủ cách trên mẫu đất tự khai hoang được, song cái nghèo không buông tha ba mẹ tôi, nhất là khi các anh em tôi đã lớn, lần lượt bước chân vào các trường cao đẳng, đại học. Mỗi khi con về, ba mẹ tôi nửa mừng nửa lo đến thắt  ruột. Vào đầu năm học hoặc Tết ra là ba tôi phải xoay sở vài triệu đồng để chúng tôi đóng học phí, chưa kể tiền ăn, tiền trọ, tiền giấy bút... Trước khi đưa tiền thì ba tôi đều giảng cho một bài học: "Biết tiết kiệm". Sau này, chúng tôi hay nói đùa là: "Lần nào chưa chảy nước mắt là lần đó chưa lấy được tiền". Cho đến bây giờ anh em tôi đã trưởng thành, ai nấy đều có sự nghiệp là được thừa hưởng sự giáo dục của cha mẹ mình. Trong các anh em tôi, ai cũng rèn được đức tính cần kiệm, biết vươn lên trong cuộc sống, đoàn kết thương yêu lẫn nhau.

Hình ảnh ba mẹ tôi luôn là niềm tự hào của chúng tôi. Ba mẹ tôi chính là những người đã biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không chỉ ba mẹ tôi  mà các anh chị em tôi cũng quyết làm theo tấm gương của Bác Hồ để  trở thành những công dân tốt, giúp ích cho xã hội. Ba mẹ tôi là người không chỉ làm theo tấm gương của Bác mà còn giáo dục cho các con mình cũng làm theo tấm gương của Người. Hiện nay, bản thân tôi là một giáo viên, là một đảng viên trong nhà trường, tôi không chỉ rèn luyện cho mình mà còn tiếp tục giáo dục cho học sinh của mình phải biết làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ kính yêu...

Nguyễn Thị Bích Na

(Giáo viên Trường THCS Bảo Quang, TX. Long Khánh)

Tác giả: Hứa Lê Khánh Uyên

  Ý kiến bạn đọc

Video
Thăm dò ý kiến

Đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Văn bản PGD

TB số 25/TB-PGDĐT

Ngày ban hành: 25/04/2024. Trích yếu: Trường học an toàn ...

Ngày ban hành: 25/04/2024

CV số 80/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 25/04/2024. Trích yếu: Kiểm điểm đánh giá XLCL...

Ngày ban hành: 25/04/2024

CV số 77/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: bảo đảm an toàn thông tin...

Ngày ban hành: 24/04/2024

KHPH số 109/KHPH-CAH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: kế hoạch phối hợp ...

Ngày ban hành: 24/04/2024

CV số 75/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc TP

Ngày ban hành: 24/04/2024

KH số 24/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019

Ngày ban hành: 24/04/2024

KH số 23/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: thực hiện CT 31

Ngày ban hành: 24/04/2024

CV số 74/PGDĐT-MN

Ngày ban hành: 22/04/2024. Trích yếu: hướng dẫn báo cáo tổng kết GDMN năm học 2023-2024

Ngày ban hành: 22/04/2024

CV số 69/PGDĐT

Ngày ban hành: 17/04/2024. Trích yếu: Tháng ATTP năm 2024

Ngày ban hành: 17/04/2024

TB số 21/TB-PGDĐT

Ngày ban hành: 17/04/2024. Trích yếu: Nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày ban hành: 17/04/2024

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay1,135
  • Tháng hiện tại16,852
  • Tổng lượt truy cập1,749,568
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây