Bài học nào dưới mái nhà tranh

Thứ năm - 25/08/2011 12:10
Bài học nào dưới mái nhà tranh

Những ngày qua , cơn bão số 9 lịch sử đổ ập vào Bình Định . Nhìn hình ảnh những mái nhà vùng quê chìm trong  làn nước lũ trắng xóa, lòng tôi đau xót, bồn chồn . Ở nơi ấy, ngày xưa, dưới một mái nhà tranh , tôi đã từng được một người thầy yêu thương, dạy dỗ nên người ...

 

Thầy chỉ là một thầy giáo trường làng, chưa bao giờ qua đào tạo chính quy. Nhưng nhờ tự học và say mê giảng dạy, thầy có kiến văn sâu rộng, phong cách rất nghệ sĩ, lời nói khúc chiết, từ dùng chính xác, với một giọng trầm ấm rất hấp dẫn. Những giờ giảng của thầy luôn cuốn hút…

Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi về thầy Võ Thành Đồng lại không phải là những bài giảng ở lớp, mà là những bài học dưới mái nhà tranh xiêu vẹo, dột nát của thầy!

Đợt thi học sinh giỏi văn lớp 9 năm ấy, lẽ ra tôi rớt ngay từ vòng thi cấp huyện. Lý do chỉ vì một quan niệm làm bài ngây dại, non nớt. Đề yêu cầu bình luận, ở phần chứng minh, tôi dùng rất ít những dẫn chứng thơ văn trong chương trình và sách giáo khoa, còn chủ yếu dẫn những thơ văn tôi đọc lung tung đây đó của các tác giả ngoài chương trình, thậm chí đưa cả những câu thơ ngô nghê do mình sáng tác vào bài nữa (!?). Về sau tôi mới biết, lúc chấm đến bài tôi, ban giám khảo đã cân nhắc rất lâu, định đánh hỏng vì “dẫn chứng ngoài phạm vi đáp án, một số ý mở rộng khá xa đề”. Là thành viên chấm thi, thầy đã mạnh dạn góp ý kiến có tính “bảo lãnh”:"Qua bài làm, tôi thấy em này rất chăm đọc sách, có năng khiếu văn, chẳng qua là vì chưa nắm vững “trường quy” mà thôi! Cứ cho em tham gia học bồi dưỡng để thi tỉnh. Nếu thấy không tiến bộ, lúc đó hẵng loại cũng không muộn…”      

Thế là dù không được giải, tôi vẫn được học “dự thính” lớp bồi dưỡng do thầy dạy (Phòng giáo dục tổ chức). Lớp học có năm người. Buổi học đầu tiên, thầy trả bài, phân tích cái hay, cái dở của từng đứa qua bài thi vừa rồi. Phần tôi thầy “phê” rất dài, lại hài hước làm tôi ngồi nghe thẹn chín cả người, tự trách mình ngu dại, ấu trĩ quá. Nhưng sau giờ học, thầy chờ tôi ngoài cửa lớp, bảo riêng: “Chiều nay, em đến nhà thầy. Thầy sẽ hướng dẫn thêm về phương pháp làm bài”.

Nhà thầy rất nghèo, chỉ là một mái nhà tranh hai gian thấp lè tè nằm ven đồng. Hồi ấy đang mùa mưa, những cơn mưa miền Trung tháng mười bão lũ như nghiêng trời đổ nước. Mỗi lần mưa, mái tranh tã dột tứ tung, bụi nước hắt vào cửa sổ làm mực nhòe tím cả bài làm. Có hôm nước lụt lên, hai thầy trò ngồi co ro trên tấm phản gỗ, vừa bình văn chương, vừa canh chừng nước lên ngập trắng cả nền nhà. Thầy cô đều theo nghề giáo, lương không đủ sống, thậm chí có lần con ốm, túng thiếu đến mức không có tiền mua thuốc cho con. Dạy học xong, thầy phải làm thêm đôi ba sào ruộng, lại mày mò tự học nghề nhiếp ảnh, chụp ảnh thuê ở những đám giỗ chạp, đám cưới vùng quê để có thêm thu nhập nuôi con. Nhận dạy thêm cho tôi (thầy không chịu nhận một đồng công nào), là bớt xén vào khoảng thời gian “kiếm sống” ấy! Vì vậy, thầy trò tôi dạy và học theo lối "du kích”- không thành giờ giấc cố định: hai giờ chiều, tôi đến, thầy cho đề, nêu yêu cầu, hướng dẫn, rồi đi cuốc vườn hay bón phân cho lúa. xế chiều, thầy xong công việc thì tôi cũng xong bài, thầy rửa ráy xong lại đến bàn học, đọc, chấm bài, nhận xét và hứơng dẫn tiếp. Có lúc về trễ, quần còn vo, tay lấm đất bùn, mồ hôi chưa kịp khô, thầy đã phải đeo kính cầm bút đỏ phê bài cho tôi kịp về kẻo tối. Có lúc thầy đang dạy dở bài giảng văn thì có nhà trong xóm đến gọi đi chụp vài “pô” ảnh cho đứa con đang làm lễ “thôi nôi”, thầy phải miễn cưỡng đưa tôi cuốn sách (có bài viết về tác phẩm ấy), dặn đọc, tìm hiểu thêm, rồi lấy máy ảnh đi làm, nửa tiếng sau mới trở về tiếp tục bài giảng. Phiền đến thế, nhưng thầy không nề hà; trò thấy thầy khổ lại càng gắng sức chuyên chú học!

Một lần, ngày chủ nhật, thầy phải về quê ở miệt biển dự giỗ ngoại. Thầy bảo tôi đi cùng với thầy. Hai thầy trò vừa thay nhau lái xe đạp, vừa nói chuyện thơ văn. Có lúc thầy dừng lại để chỉ cho tôi xem vẻ đẹp của cảnh biển ban mai ở Mũi Rồng - Một thắng cảnh có tiếng của tỉnh (cuộc dã ngoại khó quên ấy không ngờ lại rất bổ ích cho bài thi sau này).

Còn không đầy mươi ngày nữa thì tới kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh. Thầy lo lắng vì cho rằng sức tôi viết còn non, cần phải “trui rèn” nhiều hơn nữa. Thầy xin phép ba má tôi để tôi đến ở hẳn nhà thầy một thời gian. Gia đình thầy chia sẻ với tôi những bữa cơm đạm bạc. Ban ngày, vẫn học như thường lệ. Buổi tối, thầy tranh thủ “huấn luyện kinh nghiệm” thi cử. Tôi nhớ thầy thường nhắc đi nhắc lại một nguyên tắc: “Đọc sách, phải toàn tâm toàn ý. Viết văn phải viết bằng cảm xúc chân thực tự tâm hồn”. Lắm lúc hào hứng, sau giờ học bên ngọn đèn dầu tù mù, thầy trò lại rì rầm bàn chuyện thơ văn cho đến gần sáng, nghe tiếng gà lối xóm gáy rộ mới giật mình giục nhau đi nghỉ. Có những đêm, cô phải nấu mì gòn, nấu cháo dừa đem lên mà bồi dưỡng cho “hai thầy đồ gàn” như cô hay gọi đùa.

Đề thi năm ấy là một đề thi khá tự do: “Quê hương em có nhiều cảnh đẹp, em hãy viết thư mời bạn đến thăm”. Nhận đề thi, tôi xúc động nghĩ đến những cảnh đẹp của quê hương, đến vẻ đẹp của Mũi Rồng, của Chùa Hang, của cảnh biển sớm mai lần thầy chở đi xem, đến vẻ đẹp của Gành Ráng, của những ngọn Tháp Chàm đã được miêu tả qua những trang sách địa chí “Nước non Bình Định” của nhà thơ Quách Tấn mà thầy đã hướng dẫn đọc, lại dày công phân tích, chỉ cho cái hay, cái đẹp…Lòng tôi rưng rưng khi nhớ đến những vết bùn khô trên tay thầy lúc sửa bài, đến những buổi học đêm bên ngọn đèn dầu tù mù, dưới mái nhà tranh mưa dột từng giọt tí tách trên nền nhà, trên bàn học…, nhớ đến những tấm lòng thương yêu, kỳ vọng ở tôi của người thầy trường làng… Một cảm giác cay cay nơi sống mũi, khóe mắt, tôi viết say sưa như nhập đồng suốt ba tiếng đồng hồ không ngơi tay. Lúc viết xong dòng cuối cùng, lên nộp bài thầy tay đau tê tái, mỏi nhừ, nhìn lại mới thấy vết cán bút tì vào bàn tay quá mạnh thành một vệt lõm bầm tím ở ngón giữa. Không phụ lòng thầy mong mỏi, tôi đạt giải nhất - là “thủ khoa” môn văn kỳ thi tỉnh năm ấy. Song, vượt lên trên mọi kết quả, cái lớn nhất thầy truyền cho tôi là  tôi đã nhận ra được vẻ đẹp cao quý của  văn chương, của tình người …… 

 Hơn hai mươi năm đã  trôi qua, Tôi đã rời quê hương đi lập nghiệp , sống giữa miền Nam quanh năm nắng ấm, những kỷ niệm về bão lũ, về thời gian khổ đầy yêu thương ấy như đã lùi xa. Thầy vẫn dạy học, vẫn lặng lẽ sớm trưa với bao lớp trẻ nhà quê , chắt chiu  ươm mầm, giúp các em hiểu từng nét hay, cái đẹp của văn chương, của cuộc đời. Hôm nay, cơn bão hoành hành dữ dội, quê tôi cô lập, chơ vơ  trong làn nước lũ  Thầy ơi, con chỉ muốn sao có  phép lạ nào cho con được đến bên thầy, để xin lỗi vì những giây lãng quên, để nói lời tri ân muộn mằn, để sẻ chia bao nhọc nhằn buồn vui với người đã giúp con lớn lên từ một mái nhà tranh đi qua giông bão cuộc đời. 

Nguyễn Thanh Tùng

Tác giả: Hứa Lê Khánh Uyên

  Ý kiến bạn đọc

Video
Thăm dò ý kiến

Đánh giá yếu tố nào quan trọng nhất trong quá trình học tập ?

Văn bản PGD

TB số 25/TB-PGDĐT

Ngày ban hành: 25/04/2024. Trích yếu: Trường học an toàn ...

Ngày ban hành: 25/04/2024

CV số 80/PGDĐT-TCCB

Ngày ban hành: 25/04/2024. Trích yếu: Kiểm điểm đánh giá XLCL...

Ngày ban hành: 25/04/2024

CV số 77/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: bảo đảm an toàn thông tin...

Ngày ban hành: 24/04/2024

KHPH số 109/KHPH-CAH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: kế hoạch phối hợp ...

Ngày ban hành: 24/04/2024

CV số 75/PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống ngộ độc TP

Ngày ban hành: 24/04/2024

KH số 24/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: thực hiện Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019

Ngày ban hành: 24/04/2024

KH số 23/KH-PGDĐT

Ngày ban hành: 24/04/2024. Trích yếu: thực hiện CT 31

Ngày ban hành: 24/04/2024

CV số 74/PGDĐT-MN

Ngày ban hành: 22/04/2024. Trích yếu: hướng dẫn báo cáo tổng kết GDMN năm học 2023-2024

Ngày ban hành: 22/04/2024

CV số 69/PGDĐT

Ngày ban hành: 17/04/2024. Trích yếu: Tháng ATTP năm 2024

Ngày ban hành: 17/04/2024

TB số 21/TB-PGDĐT

Ngày ban hành: 17/04/2024. Trích yếu: Nghỉ Giỗ Tổ Hùng Vương

Ngày ban hành: 17/04/2024

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập4
  • Hôm nay1,074
  • Tháng hiện tại16,791
  • Tổng lượt truy cập1,749,507
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây