Phần I: MỞ ĐẦU
I. LÝ DO CHỌN ĐỀ TÀI:
Nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI, một thế kỷ tiếp tục có những biến đổi to lớn, khoa học và công nghệ sẽ có bước tiến nhảy vọt, kinh tế, tri thức có vai trò ngày càng nổi bật trong quá trình phát triển lực lượng sản xuất; toàn cầu hoá kinh tế là một xu hướng khách quan, lôi cuốn ngày càng nhiều nước tham gia. Sự tranh chấp quốc tế trên các lĩnh vực ngày càng gay gắt. Phân tích tình hình trong nước và thế giới khi bước vào thế kỷ XXI, Đại hội IX của Đảng đã xác định “Con đường công nghiệp hoá, hiện đại hoá của nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian, vừa có bước tuần tự vừa có bước nhảy vọt. Phát huy nguồn lực trí tuệ và sức mạnh trí tuệ của người Việt Nam, coi phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu là nền tảng và động lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá”.
Xuất phát từ quan điểm đó ngay từ tháng 12/1996 Ban chấp hành Trung ương đã thông qua nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII) về định hướng chiến lược phát triển Giáo dục - Đào tạo và khoa học công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá - hiện đại hoá đất nước hiện nay.
Mặt khác đất nước ta đã thực hiện thay sách giáo khoa ở bậc Tiểu học và Trung học cơ sở. Nội dung thay đổi đòi hỏi phương pháp dạy học cũng đổi mới. “Phát huy tính tích cực, chủ động sáng tạo của học sinh trên cơ sở khai thác triệt để các đặc điểm tâm sinh lý của học sinh Tiểu học” là biện pháp đổi mới phương pháp dạy và phương pháp học ở Tiểu học. Các em học sinh Tiểu học, đặc điểm nổi bật là thích chơi hơn thích học, sự nhận thức còn mang tính cụ thể . Do đó nên tổ chức cho các em “ Học mà chơi, chơi mà học.” Một trong những biện pháp chủ yếu để đạt được mục đích trên là gây cho các em học sinh hứng thú học tập, tạo niềm tin, niềm vui bằng cách lôi cuốn các em vào những trò chơi toán học hấp dẫn phù hợp với trình độ nhận thức, đặc điểm lứa tuổi của các em đặc biệt là các em những lớp đầu cấp.
Bản thân là một giáo viên Tiểu học (dạy lớp 3/1 ) tôi nhận thấy rằng muốn dạy tốt chương trình mới nói chung và chương trình toán 3 nói riêng, không những người giáo viên phải nắm vững nội dung chương trình mà còn phải luôn tìm tòi, năng động, sáng tạo để vận dụng linh hoạt những phương pháp, hình thức tổ chức phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả dạy và học.
Xuất phát từ những lý do bức xúc cấp bách như vậy nên tôi đã chọn và nghiên cứu đề tài: “Thiết kế trò chơi nhằm gây hứng thú cho học sinh trong giờ học toán 3 - chương trình mới”, để giờ học toán phong phú hấp dẫn hơn tạo hứng thú thực sự cho học sinh Tiểu học.
II. MỤC ĐÍCH NGHIÊN CỨU:
1. Tìm hiểu hệ thống nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học toán 3 - chương trình mới.
2. Thiết kế trò chơi góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong giờ học toán 3 - chương trình mới.
III. NHIỆM VỤ NGHIÊN CỨU Để đạt được mục đích trên cần thực hiện những nhiệm vụ sau:
1. Tìm hiểu tầm quan trọng của đổi mới phương pháp dạy học.
2. Tìm hiểu các quan điểm chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học nói chung và học toán nói riêng.
3. Tìm hiểu ý nghĩa, tác dụng của trò chơi toán học.
4. Nghiên cứu sách giáo khoa và sách giáo viên toán 3 - chương trình mới, cũ và các tài liệu có liên quan.
5. Thiết kế các trò chơi trong giờ học toán 3.
6. Tìm hiểu phân loại đối tượng học sinh trong lớp.
7. Dạy thực nghiệm.
8. Đề xuất ý kiến.
IV. Đối tượng nghiên cứu:
- Chủ thể: Trò chơi trong giờ học toán 3.
- Khách thể: Học sinh lớp 3/1 trường Tiểu học Định Hiệp
V. PHẠM VI NGHIÊN CỨU
Do thời gian có hạn, năng lực nghiên cứu còn hạn chế tôi chỉ đi sâu về: “Thiết kế trò chơi nhằm gây hứng thú cho học sinh trong giờ học toán 3 - chương trình mới”.
VI. PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU:
1. Phương pháp nghiên cứu lý luận.
2. Phương pháp nghiên cứu bằng điều tra, quan sát.
3. Phương pháp thực nghiệm.
4. Phương pháp tổng kết kinh nghiệm.
Phần II: NỘI DUNG
I. CƠ SỞ LÝ LUẬN: